Thiết kế giao diện giữa người và máy

1. TỔNG QUAN

1.1. Mục đích

Thiết kế môi trường giao tiếp giữa người sử dụng và máy thoả mãn điều kiện:

– Dễ sử dụng : Giao diện dễ sử dụng ngay cả với những người không có kinh nghiệm

– Dễ học : Các chức năng gần gũi với tư duy của người sử dụng để họ có thể nắm bắt dễ dàng nhanh chóng.

– Tốc độ thao tác : Giao diện không đòi hỏi các thao tác phức tạp hay dài dòng, hỗ trợ các phím tắt, phím nóng.

– Dễ phát triển : Giao diện được xây dựng dễ dàng, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu thay đổi của người sử dụng.

1.2. Các loại giao diện

– Hộp thoại: Là các giao diện phục vụ cho việc kiểm soát hệ thống, trao đổi thông tin giữa người sử dụng và hệ thống, kiểm tra quyền truy nhập (Tên, mật khẩu), các hướng dẫn sử dụng hệ thống, các thông báo lỗi sử dụng hay lỗi hệ thống nếu có…

– Màn hình nhập dữ liệu: Đó là các khung nhập liệu cho phép người sử dụng tiến hành nhập dữ liệu cho hệ thống hay cung cấp thông tin cho việc tìm kiếm dữ liệu, đưa ra các báo cáo theo yêu cầu.

– Màn hình báo cáo : Đó là các biểu mẫu hiển thị các thông tin được thu thập và tổng hợp theo yêu cầu của người sử dụng.

1.3. Các nguyên tắc chung khi thiết kế giao diện

– Luôn cung cấp thông tin phản hồi về công việc đang tiến hành cho người sử dụng.

– Thông tin trạng thái : cung cấp cho người sử dụng thông tin về phần hệ thống đang được sử dụng.

Công việc tối thiểu : Hạn chế tối đa sự cố gắng không cần thiết của người sử dụng.

Ví dụ : Đặt các giá trị thường xuyên sử dụng hay các giá trị tốt nhất có thể là ngầm định.

– Trợ giúp : Sẵn sàng cung cấp các trợ giúp khi người sử dụng cần.

Dễ dàng thoát ra : Cho phép người sử dụng thoát ra khỏi hộp thoại dễ dàng bằng các thao tác quen thuộc.

Ví dụ : ấn phím ESC/Alt-F9…

– Làm lại : Cho phép huỷ bỏ các thao tác đã tiến hành, tăng tính khoan dung của chương trình.

2. CÁC VẤN ĐỀ KHI THIẾT KẾ GIAO DIỆN

Có ba vấn đề khi thiết kế giao diện : Thời gian đáp ứng hệ thống, giải quyết lỗi, trợ giúp người sử dụng.

– Thời gian đáp ứng hệ thống là thời gian kể từ khi người sử dụng bắt đầu yêu cầu (gõ lệnh hay nhấn chuột) cho đến khi họ nhận được kết quả của yêu cầu đó. Thời gian đáp ứng có hai đặc trưng:

+ Độ dài : Khoảng thời gian đáp ứng hệ thống(tính tuyệt đối) không dài quá.

+ Độ biến thiên : Khoảng thời gian đáp ứng hệ thống so với khoảng thời gian đáp ứng trung bình. Độ biến thiên cao có thể gây cho người sử dụng sự mất cân bằng(thường nghĩ hệ thống có gì trục trặc hay mình đã gây ra lỗi gì đó)

– Giải quyết lỗi : Đó là các thông tin hệ thống đưa ra khi nó gặp phải một lỗi nào đó (lỗi của hệ thống, lỗi của người sử dụng). Các thông báo lỗi nên :

+ Dễ hiểu đối với người sử dụng. Có tính xây dựng để người sử dụng có thể tự khắc phục lỗi.

+ Nêu các hậu quả tiêu cực có thể xảy ra (biện pháp khắc phục nếu có)

+ Có kèm theo các tín hiệu nghe thấy được và nên có các dặc trưng về màu sắc, biểu tượng.

+ Có tính “phi đánh giá” : không nên có hàm ý trách móc người sử dụng

– Trợ giúp người sử dụng : Nói chung mọi người sử dụng hệ thống đều cần đến sự trợ giúp khi sử dụng hệ thống mà phần quan trọng nhất là khả năng trợ giúp của chính hệ thống. Khả năng này càng cao thì hệ thống càng thân thiện với người sử dụng.

Có hai loại trợ giúp :

+ Trợ giúp theo ngữ cảnh : Khả năng trợ giúp các tình huống có liên quan đến hành động, trạng thái hiện tại của hệ thống. Đây là loại trợ giúp được ưa chuộng.

+ Trợ giúp phụ thêm : Có tính chất bổ xung thêm vào phần trợ giúp theo ngữ cảnh. nó thường là các thông tin về cách cài đặt, sử dụng hệ thống, các thành phần chức năng chính,…