1. Khái niệm và mô hình quản trị logistics .
Trong phạm vi một doanh nghiệp, quản trị logistics được hiểu là một bộ phận của quá trình chuỗi cung ứng, bao gồm việc hoạch định, thực hiện và kiểm soát có hiệu lực, hiệu quả các dòng vận đông và dự trữ hàng hóa, dịch vụ cùng các thông tin có liên quan từ điểm khởi đầu đến các điểm tiêu thụ theo đơn đặt hàng nhằm thoả mãn yêu cầu của khách hàng. Quan điểm này được khái quát hoá trong hình sau
Hình này cho thấy logistics không phải là một hoạt động đơn lẻ mà là một chuỗi các hoạt động liên tục, có quan hệ mật thiết và tác động qua lại lẫn nhau, bao trùm mọi yếu tố tạo nên sản phẩm từ các nhập lượng đầu vào cho đến giai đoạn tiêu thụ sản phẩm cuối cùng. Các nguồn tài nguyên đầu vào không chỉ bao gồm vốn, vật tư, nhân lực mà còn bao hàm cả dịch vụ, thông tin, bí quyết và công nghệ. Các hoạt động này cũng được phối kết trong một chiến lược kinh doanh tổng thể của doanh nghiệp từ tầm hoạch định đến thực thi, tổ chức và triển khai đồng bộ từ mua, dự trữ, tồn kho, bảo quản, vận chuyển đến thông tin, bao bì, đóng gói…Và chính nhờ vào sự kết hợp này mà các hoạt động kinh doanh được hỗ trợ một cách tối ưu, nhịp nhàng và hiệu quả, tạo ra được sự thoả mãn khách hàng ở mức độ cao nhất hay mang lại cho họ những giá trị gia tăng lớn hơn so với đối thủ cạnh tranh.
2. Mục tiêu và quan điểm của quản trị logistics kinh doanh
Một cách khái quát, mục tiêu của quản trị logistics là cung ứng dịch vụ cho khách hàng đạt hiệu quả cao.
Cụ thể hơn, theo E.Grosvenor Plowman, mục tiêu của hệ thống logistics là cung cấp cho cho khách hàng 7 lợi ích – (7 rights): đúng khách hàng, đúng sản phẩm, đúng số lượng, đúng điều kiện, đúng địa điểm, đúng thời gian, đúng chi phí*. Các mục tiêu này đòi hỏi doanh nghiệp phải thực hiện tốt hai yêu cầu cơ bản sau:
a. Cung ứng mức dịch vụ khách hàng có tính chiến lược:
Là mức dịch vụ thỏa mãn nhu cầu dịch vụ cho của các nhóm khách hàng mục tiêu và có ưu thế so với đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp. Mức dịch vụ này được lượng hóa qua 3 tiêu chuẩn
- Tính sẵn có của hàng hóa/dịch vụ
- Khả năng cung ứng dịch vụ
- Độ tin cậy dịch vụ
a1. Sự sẵn có của hàng hóa tại các địa điểm bán và nơi cung cấp là một cách thức để đánh giá khả năng đáp ứng những mong đợi của khách hàng trong quá trình vận hành các hoạt động logistics. Tính sẵn có được đánh giá theo 3 chỉ tiêu sau:
- Tỷ lệ phần trăm hàng hóa có mặt tại kho ở một thời điểm. Tỷ lệ hàng hóa trong kho cho biết số đơn vị hàng hóa dự trữ dự tính trong kho (Stock keeping units –SKU) tại một thời điểm để sẵn sàng cung cấp cho khách hàng. Nếu một công ty đặt mục tiêu dự trữ 100 sản phẩm trong kho và kiểm tra tại thời điểm bắt đầu ngày hoạt động có 95 sản phẩm sẵn sàng giao cho khách hàng thì tỷ lệ sẵn sàng hàng hóa trong kho là 95%. Tuy nhiên sự đánh giá sẽ chưa chính xác nếu kho tồn trữ nhiều loại hàng và chúng được bán với nhu cầu khác biệt nhau. Do đó chỉ tiêu tiếp theo được sử dụng là tỷ lệ hoàn thành đơn hàng
- Tỷ lệ hoàn thành đơn hàng đo lường số lượng hàng hóa đã thỏa mãn nhu cầu của khách hàng theo tỷ lệ % và cơ cấu mặt hàng đã đặt. Thí dụ: nếu khách hàng đặt 100 thùng hàng A và nhân được 87 thùng hàng A thì tỷ lệ này là 87%. Để đo lường tỷ lệ hoàn thành đơn đặt hàng cần dựa trên cơ sở đơn đặt hàng ban đầu của khách hàng trước khi có bất cứ sự thay thế, huỷ bỏ hay sửa đổi nào khác trong đơn đặt hàng. Khi có rất nhiều công ty tiến hành đàm phán những thay đổi trong đơn đặt hàng cho thích hợp hoặc đàm phán về những thay đổi với khách hàng nhằm giảm lượng dự trữ trong kho, thì việc đánh giá tỷ lệ hoàn thành đơn đặt hàng được tín dựa trên khả năng của công ty trong việc đáp ứng đơn đặt hàng ban đầu của khách hàng.
- Tỷ lệ phần trăm những đơn đặt hàng đã được thực hiện đầy đủ và giao cho khách là chỉ tiêu đánh giá chính xác nhất về lượng hàng sẵn có để phục vụ khách hàng. Theo đó, các đơn hàng đã hoàn thành đầy đủ dùng để đánh giá mức độ thường xuyên hoặc số lần mà một hãng cung ứng đủ 100% các mặt hàng mà khách hàng đã đặt. Số lượng đơn đặt hàng đã hoàn thành loại này là một cách đánh giá chuẩn về sự hoàn hảo của bất cứ hoạt động phân phối vật chất nào.
Việc kết hợp 3 chỉ tiêu trên đây đưa ra cách đánh giá về việc quản lí hàng trong kho của một công ty như thế nào cho tốt để đáp ứng những mong đợi của khách hàng. Các chỉ tiêu trên còn giúp công ty quyết định mức độ hoạt động phân phối cần duy trì theo thời gian. Giữa việc đầu tư vào hàng hóa trong kho với sự sẵn có của sản phẩm có mối quan hệ trực tiếp với nhau. Theo nguyên tắc chung để gia tăng tính sẵn sàng của hàng hoá thì đòi hỏi cần phải đầu tư nhiều hơn vào dự trữ hàng hóa trong kho.
a2. Khả năng cung ứng dịch vụ: Khả năng cung ứng dịch vụ liên quan tới mức độ, tính chắc chắn và sự linh hoạt trong việc hoàn thành các đơn đặt hàng của một công ty. Nói cách khác là khả năng cung ứng dịch vụ thể hiện chủ yếu qua mức độ thực hiên đơn hàng của công ty. Các hoạt động tạo nên một vòng quay đơn đặt hàng điển hình bao gồm:
- Tiếp nhận và xử lý đơn đặt hàng của khách
- Chấp nhận thanh toán
- Chuẩn bị sẵn sàng hàng hoá
- Vận chuyển
- Làm vận đơn và giao hàng
Các chỉ tiêu: tốc độ, sự phù hợp và tính linh hoạt của các hoạt động phục vụ khách hàng này có liên quan trực tiếp dến toàn bộ cơ cấu vòng quay đơn đặt hàng cũng là các chỉ tiêu thể hiên khả năng cung ứng dịch vụ
- Tốc độ cung ứng dịch vụ là tổng thời gian mà khách hàng chờ đợi công ty nơi họ mua hàng tiến hành việc thực hiện đơn đặt hàng và giao hàng cho khách hàng. Trong một số trường hợp giao hàng cho khách phải đảm bảo tốc độ cung ứng nhanh chóng tức thời. Các trường hợp khác để thực hiện 5 bước đáp ứng trên lại yêu cầu phải có thời gian. Khoảng thời gian này có thể là một vài giờ, nếu người bán ở vị trí tương đối gần về mặt địa lí so với khách hàng, hoặc có thể tới hàng tuần (trong các tình huống buôn bán đa quốc gia). Dĩ nhiên phần lớn khách hàng đều muốn nhận được càng nhanh càng tốt, vì vậy tốc độ cung ứng nhanh góp phần làm tăng sự thỏa mãn khách hàng. Tuy nhiên việc tăng tốc độ cung ứng dịch vụ thường đòi hỏi chi phí lớn do đó doanh nghiệp cần tìm ra các cấu trúc kênh phân phối vật chất có tốc độ cung ứng và chi phí phù hợp. Ví dụ việc lưu trữ một số lượng dụng cụ y tế có giá trị lớn tại kho trung tâm cùng với việc giao hàng bằng đường hàng không có thể là phù hợp với yêu cầu của khách hàng và có thể ít tốn kém hơn việc duy trì một khối lượng hàng hoá phân tán trên thị trường. Cần chú ý rằng, chỉ tiêu tốc độ cung ứng là nhận thức của khách hàng về tổng thời gian hoạt động cần thiết để nhận hàng, đó chính là cơ sở thích hợp duy nhất để đánh giá tốc độ cung ứng nhanh hay chậm do đó cần nghiên cứu cụ thể để nắm được yêu cầu của mỗi khách hàng.
- Sự chính xác của vòng quay đơn đặt hàng, còn gọi là độ ổn định thời gian giao hàng. Chỉ tiêu sự chính xác của vòng quay đơn hàng thường để đánh giá khoảng thời gian của một vòng quay đơn đặt hàng vượt quá khoảng thời gian cho phép hoặc mong đợi. Khi đánh giá khả năng cung ứng dịch vụ khách hàng, đôi khi chỉ tiêu được coi là quan trọng hơn chỉ tiêu thời gian cung ứng, bởi lẽ trong điều kiện cung ứng hiện đại, các phương thức cung ứng đòi hỏi sự tồn trữ là nhỏ nhất trong điều kiên có thể nên thời gian cần chính xác để đáp ứng tốt các yêu cầu kinh doanh nhưng giảm thiểu được chi phí dự trữ.
Các doanh nghiệp thường dựa vào nhà cung cấp để giảm số lượng hàng trong kho đồng thời lại luôn cần duy trì một lượng hàng lớn sẵn có cho khách hàng nên sự chính xác của thời giao hàng là rất quan trọng. Trên thực tế khoảng thời gian cần thiết cho bất cứ hoạt động nào trong 5 hoạt động của chu kỳ đặt hàng có thể lớn hơn hoặc nhỏ hơn so với thời gian mong đợi nên sự phù hợp của toàn bộ vòng quay sẽ là tổng thời gian cần thiết để tiến hành tất cả các hoạt động riêng lẻ. Ví dụ có thể bù đắp sự chậm trễ trong việc lựa chọn và chuẩn bị đơn đặt bằng việc thuê phương tiện vận chuyển tốc độ cao để có thể giao hàng đúng thời hạn.
- Tính linh hoạt đề cập tới khả năng của một công ty trong việc điều phối các nguồn lực để đáp ứng các yêu cầu về dịch vụ đặc biệt của khách hàng. Trong các hoạt động phân phối sự linh hoạt có thể giúp khắc phục sự thất bại trong cung ứng dịch vụ hoặc có thể là cách thức hay được dùng để thỏa mãn tốt hơn những đòi hỏi đặc biệt nào đó của khách hàng. Ví dụ khi xuất một mặt hàng quan trọng nhằm phục vụ cho một khách hàng quan trọng, công ty có thể năng động sử dụng phương tiện vận chuyển có tốc độ cao. Với khả năng hoạt động linh hoạt như vậy những thất bại trong cung ứng dịch vụ có thể được hạn chế.
Ngoài ra, dựa trên yêu cầu của khách hàng, nhà phân phối có thể quyết định sử dụng các phương án dự kiến khác nhau trong việc cung ứng dịch vụ theo yêu cầu khách hàng. Ví dụ phương án thông thường của công ty trong phục vụ khách có thể là vận chuyển trực tiếp một khối lượng hàng chất đầy phương tiện từ nơi sản xuất tới kho của khách hàng. Nhưng đôi khi khách hàng yêu cầu giao hàng trực tiếp tại kho người sử dụng, công ty có thể phải chuyên chở nhiều loại sản phẩm hỗn hợp từ kho hàng. Vì thế công ty cung ứng phải đặt ra kế hoạch về khả năng phân phối hàng một cách linh hoạt nhằm đáp ứng yêu cầu đặc biệt của khách hàng. Điều này cho phép thỏa mãn khách hàng một cách cao hơn, và mức độ linh hoạt đáp ứng các yêu cầu của khách hàng chính là một chỉ tiêu quan trong để đánh giá khả năng cung ứng dịch vụ.
Cần kết hợp 3 tiêu chuẩn trên để đo lường chính xác khả năng cung ứng dịch vụ do các hoạt động logistics tạo ra. Tốc độ cung ứng là quan trọng nhưng sự phù hợp theo thời gian còn quan trọng hơn. Nhằm phát huy tối đa hiệu quả của các hoạt động logistics, hầu hết các tổ chức đều dựa vào khả năng linh hoạt để bổ sung cho các hoạt động thông thường. Cũng cần dự kiến các phương án phân phối linh hoạt hoặc có khả năng thay thế lẫn nhau nhằm bù đắp cho tình huống bất ngờ hoặc nhằm đáp ứng các nhu cầu đặc biệt của khách hàng.
a3. Độ tin cậy dịch vụ: Độ tin cậy dịch vụ hay chất lượng phục vụ đề cập tới khả năng của một công ty thực hiện hoàn hảo các hoạt động đáp ứng đơn đặt hàng theo nhận thức của khách hàng.
Toàn bộ quá trình phục vụ khách hàng đều đề cập tới việc thỏa mãn yêu cầu của khách hàng, do đó chất lượng phục vụ được xem xét trước hết với 2 chỉ tiêu: sự sẵn có của hàng hoá và khả năng cung ứng dịch vụ bởi vì đây là 2 chỉ tiêu quan trọng đáp ứng được sự mong đợi của khách hàng. Ngoài ra các chỉ tiêu về sự an toàn cho hàng hóa như vận chuyển hàng không gây thiệt hại, các vận đơn chính xác hoặc hoàn hảo, thực hiện trả hàng an toàn, cung cấp thông tin nhanh chóng và chính xác, thái độ phục vụ thiện chí hoặc khả năng nhanh chóng giải quyết các vấn đề nảy sinh cũng được sử dụng để đánh giá chất lượng phục vụ…Những chỉ tiêu này tất nhiên là rất khó có thể đánh giá hoặc định lượng.
Các quá trình logistics hỗ trợ cho các hoạt động kinh doanh luôn nhằm đáp ứng sự mong đợi thường xuyên của khách hàng về việc cung ứng hàng hoá với dịch vụ có chất lượng cao nhất trong mọi đơn hàng hiện tại cũng như tương lai. Những công ty trội hơn hẳn về chất lượng phục vụ đều có ít nhất 3 đặc điểm:
- Thứ nhất, họ sử dụng các cơ cấu có thể giúp khách hàng tiếp nhận một cách chính xác và kịp thời các thông tin về đơn đặt hàng và các yêu cầu khác có liên quan đến dịch vụ.
- Thứ hai, các hãng cam kết cung ứng dịch vụ với chất lượng cao cần tiến hành các cách thức để đáp ứng các yêu cầu và đòi hỏi đặc biệt của khách hàng mà không phải trì hoãn chờ chấp nhận của cấp trên hoặc sửa sai. Do đó việc trao quyền cho các cấp để đưa ra quyết định kịp thời trên cơ sở những đánh giá đúng đắn của họ sẽ tạo điều kiện rất lớn để đạt được mục tiêu phục vụ với chất lượng cao.
- Thứ ba, người quản lý, điều hành các hoạt động dịch vụ cung ứng cho khách hàng khi phải đương đầu với các tình huống bất ngờ hoặc các khó khăn nguy hiểm thường bộc lộ cái gọi là khả năng tạo ra sự phục vụ đáng kinh ngạc. Đó là khả năng đưa ra giải pháp thích ứng hay đề cập tới một nghệ thuật quản lí dự báo trước được nguy cơ xảy ra đổ bể trong cung ứng dịch vụ và giải quyết vấn đề nhanh nhất để tạo sự trung thành với khách hàng với công ty.
b. Chi phí logistics và quan điểm quản trị logistics
Một nhiệm vụ quan trọng khác của quản trị logistics là giảm chi phí trong khi vẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ khách hàng. Theo kết quả điều tra thì các ngành kinh doanh khác nhau có mức chi phí logistics khác nhau. Trong nhiều ngành, chi phí logisics có thể vượt quá 25% chi phí sản xuất. Do đó nếu quản trị logisics tốt có thể tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể, góp phần tăng lợi nhuận của công ty. Bên cạnh đó, quản trị logisics tốt còn góp phần tăng tốc độ chu chuyển và rút ngắn thời gian thu hồi vốn. Tổng chi phí logisics được hình thành từ chi phí của các hoạt động cấu thành, bao gồm 6 loại chi phí chủ yếu:
- Chi phí dịch vụ khách hàng: Chi phí dịch vụ khách hàng bao gồm các chi phí để hoàn tất những yêu cầu của đơn đặt hàng (chi phí phân loại, kiểm tra, bao bì đóng gói, dán nhãn…); chi phí để cung cấp dịch vụ, hàng hóa; chi phí để giải quyết tình huống hàng bị trả lại… chi phí dịch vụ khách hàng liên quan mật thiết với các khoản chi phí vận tải, chi phí dự trữ và chi phí cho công nghệ thông tin.
- Chi phí vận tải: Chi phí vận tải là một trong những khoản lớn nhất trong chi phí logisics. Chi phí vận tải chịu sự ảnh hưởng của nhiều yếu tố như: loại hàng hoá, quy mô lô hàng, tuyến đường vận tải… Chi phí vận tải của một đơn vị hàng hoá (cước phí) tỷ lệ nghịch với khối lượng vận tải và với quãng đường vận chuyển.
- Chi phí kho bãi: Chi phí quản lý kho nhằm đảm bảo cho các nghiệp vụ kho được diễn ra suôn sẻ, trong một số trường hợp bao gồm cả chi phí thiết kế mạng lưới kho chi phí khảo sát, chọn địa điểm và xây dựng kho hàng. Tuy nhiên số lượng kho hàng có ảnh hưởng đến dịch vụ khách hàng và doanh thu của công ty nên cần phân tích, tính toán kỹ lưỡng để cân bằng giữa chi phí quản lý kho, chi phí dự trữ, chi phí vận tải với khoản doanh thu có thể bị tăng hoặc giảm tương ứng khi quyết định số lượng kho cần có trong hệ thống logisics.
- Chi phí xử lí đơn hàng và hệ thống thông tin: Để hỗ trợ dịch vụ khách hàng và kiểm soát chi phí một cách hiệu quả cần bỏ ra một khoản chi phí không nhỏ để trao đổi thông tin với khách hàng và các bộ phận có liên quan nhằm giải quyết đơn đặt hàng, thiết lập các kênh phân phối, dự báo nhu cầu thị trường. Chi phí này cũng liên quan đến chi phí quản lý kho, dự trữ, sản xuất…
- Chi phí thu mua (để có lô hàng đủ theo yêu cầu) Khoản chi phí này dùng cho thu gom, chuẩn bị hàng cung cấp cho khách. Bao gồm nhiều khoản chi phí nhỏ: xây dựng cơ sở gom hàng; tìm nhà cung cấp ; Mua và tiếp nhận nguyên vật liệu…
- Chi phí dự trữ: Hoạt động logisics tạo ra chi phí dự trữ. Chi phí này tăng giảm tuỳ theo số lượng hàng hoá dự trữ nhiều hay ít. Có 4 loại chi phí dự trữ: (1)Chi phí vốn hay chi phí cơ hội, khoản chi phí này công ty có thể thu hồi lại được. (2)Chi phí dịch vụ dự trữ, gồm cả bảo hiểm và thuế đánh trên lượng dự trữ. (3)Chi phí mặt bằng kho bãi, chi phí này thay đổi theo mức độ dự trữ.(4)Chi phí để phòng ngừa rủi ro, khi hàng hoá bị lỗi thời, mất cắp hư hỏng…
Giữa các loại chi phí logistics có mối quan hệ tương hỗ, tác động qua lại và ảnh hưởng lẫn nhau, chi phí nọ ràng buộc hữu cơ với chi phí kia thể hiện qua sau
Về bản chất, Logistics là một chuỗi kết hợp nhiều hoạt động kinh tế nhằm tối ưu hoá vị trí và quá trình lưu chuyển, dự trữ hàng hoá từ điểm đầu cho đến điểm cuối – người sử dụng, nên nếu giảm chi phí tuỳ tiện ở từng hoạt động riêng lẻ, chưa chắc đã đạt được kết quả mong muốn. Giữa các hoạt động logistics có liên quan mật thiết với nhau, dẫn đến giảm chi phí ở khâu này có thể làm tăng chi phí ở khâu khác và cuối cùng tổng chi phí không giảm mà còn có thể tăng, đi ngược lại mục đích của quản trị logistics. Do vậy, chìa khoá để đạt được yêu cầu giảm chi phí trong quản trị logisics là phân tích tổng chi phí. Điều này có nghĩa là nhà quản trị logisics phải tìm cách giảm tổng chi phí xuống mức thấp nhất trong điều kiện cho phép trong khi có thể lựa chọn rất nhiều các mức dịch vụ khách hàng với các cấu trúc dịch vụ khác nhau. Để làm được điều này trước cần nắm vững các kỹ năng phân tích cân đối chi phí giữa các hoạt động logisics.
Xuất phát từ góc độ này, các nhà quản trị logistics hình thành nên quan điểm quản trị logistics tích hợp (intergreted logistics management). Quan điểm tiếp cận hệ thống hay quản trị logistics tích hợp là một nguyên lý cơ bản trong quản trị logistics hiện đại. Quan điểm này cho rằng, tất cả các chức năng và các hoạt động cần được nhận thức dưới cùng những điều kiện ảnh hưởng và bị ảnh hưởng, các thành phần và các hoạt động của nó luôn tương tác lẫn nhau. Hiểu theo cách này thì bản thân logistics là một hệ thống, một mạng lưới các hoạt động được liên hệ với mục tiêu quản trị các dòng hàng hóa liên tục vào các tổ chức trong chuỗi logistics. Tiếp cận hệ thống là sự biến hóa sức mạnh đơn giản nhất để nhận thức các mối quan hệ tương hỗ giữa các thành phần trong một hệ thống. Nếu nhìn các hoạt động một cách cô lập, chúng ta sẽ không nhận thức được toàn cảnh, đâu là yếu tố tác động và bị tác động bởi những hành động khác. Theo cách tiếp cận này thì tổng số hay kết quả đầu ra của một chuỗi liên kết các hoạt động thì lớn hơn các thành phần riêng rẽ của nó.
Quan điểm quản trị logistics tích hợp đề cập đến việc quản lý nhiều hoạt động như một hệ thống hợp nhất được áp dụng trong nhiều công ty kinh doanh hiện đại như 3M, Quacker Oats, Herman Miller, họ đã nhận ra rằng tổng chi phí logistics có thể giảm bằng cách phối hợp một loạt các hoạt động logistics có liên quan như dịch vụ khách hàng, vận chuyển, nhà kho, dự trữ, quá trình đặt hàng, hệ thống thông tin kế hoạch sản xuất và mua sắm. Nếu không có sự phối hợp có thể dẫn đến sự thiếu hiệu quả, như làm tăng dự trữ tại các giao diện kinh doanh chủ yếu như: nhà cung ứng- hoạt động mua hàng, mua hàng – sản xuất, sản xuất-marketing, marketing – phân phối, phân phối – trung gian, trung gian – khách hàng.
Thực tế các hoạt động logistics tại các công ty này cho thấy, trong quản trị các dòng dự trữ, việc hợp nhất vận tải và nhà kho rất hữu dụng và thường tạo ra hiệu quả gấp hai lần. Thí dụ thay cho việc phòng mua hàng thỏa thuận với các nhà vận chuyển sản phẩm đầu ra và các nhà vận chuyển nguyên liệu đầu vào thì chỉ cần thương lượng với một nhà vận chuyển về việc chuyên chở cả hai. Kết quả là toàn bộ gía hàng hóa vận chuyển sẽ giảm xuống vì số lượng chuyên chở tăng lên. Điều này còn cho phép các kế họach chuyên chở của công ty và nhà vận chuyển có hiệu quả và hiệu lực cao hơn. Quan điểm này chi phối các phương pháp và cách thức để tối ưu hóa tổng chi phí logistics.
Tổng chi phí logistics được tính một cách đơn giản qua công thức:
Flog= F1+F2+F3+F4+….+Fn
Trong đó: Flog là Tổng chi phí logistics, các Fi là các chi phí cấu thành
Tuy nhiên việc giảm chi phí theo quan điểm nêu trên lại không đơn giản là giảm cục bộ các chi phí cấu thành để đạt được mục tiêu mong muốn mà cần xem xét tất cả các chi phí này trong mối tương quan đánh đổi (Trade-off), hay sự thay thế lẫn nhau để tìm ra phương án có chi phí thỏa đáng. Chính vì vậy các nhà quản trị logistics coi sự hợp nhất các hoạt động logistics tập trung chủ yếu vào kỹ thuật phân tích và tính toán chi phí thay thế giữa các hoạt động hợp thành để chọn ra các phương án phối hợp tối ưu.
3 Các nội dung cơ bản của quản trị logistics
a. Dịch vụ khách hàng:
Trong hoạt động logistics, dịch vụ khách hàng được hiểu là toàn bộ kết quả đầu ra, là thước đo chất lượng của toàn bộ hệ thống. Do đó muốn phát triển logistics phải có sự quan tâm thích đáng đến dịch vụ khách hàng.Theo quan điểm này, dịch vụ khách hàng là quá trình diễn ra giữa người mua và người bán và bên thứ ba là nhà thầu phụ. Kết quả của quá trình này tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm hay dịch vụ được trao đổi, được đo bằng hiệu số giá trị đầu ra và giá trị đầu vào của một loạt các hoạt động kinh tế có quan hệ tương hỗ với nhau và thể hiện qua sự hài lòng của khách hàng. Là thước đo chất lượng toàn bộ hệ thống logistics của doanh nghiệp, dịch vụ khách hàng có ảnh hưởng rất lớn đến thị phần, đến tổng chi phí bỏ ra và cuối cùng đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Tuỳ theo từng lĩnh vực và sản phẩm kinh doanh mà giá trị cộng thêm vào sản phẩm và dịch vụ do hậu cần mang lại không giống nhau (Hình 1.6). Dữ liệu cho thấy sự chênh lệch đáng kể về giá trị gia tăng do logistics tạo ra ở một số mặt hàng và lĩnh vực kinh doanh khác nhau.
b. Hệ thống thông tin :
Để quản trị logistics thành công, đòi hỏi doanh nghiệp phải quản lý được hệ thống thông tin phức tạp. Bao gồm thông tin trong nội bộ từng tổ chức (doanh nghiệp, nhà cung cấp, khách hàng), thông tin trong từng bộ phận chức năng của doanh nghiệp, thông tin
c. Hệ thống thông tin
giữa các khâu trong dây chuyền cung ứng (kho tàng, bến bãi, vận tải…) và sự phối hợp thông tin giữa các tổ chức, bộ phận và công đoạn ở trên. Trong đó trọng tâm là thông tin xử lý đơn đặt hàng của khách, hoạt động này được coi là trung tâm thần kinh của hệ thống logistics. Trong điều kiện hiện nay, những thành tựu của công nghệ thông tin với sự trợ giúp của máy vi tính sẽ giúp cho việc quản trị thông tin nhanh chóng, chính xác, kịp thời. Nhờ đó doanh nghiệp có thể đưa ra những quyết định đúng đắn vào thời điểm nhạy cảm nhất. Điều này giúp cho logistics thực sự trở thành một công cụ cạnh tranh lợi hại của doanh nghiệp.
d. Quản trị Dự trữ:
Dự trữ là sự tích luỹ sản phẩm, hàng hoá tại các doanh nghiệp trong quá trình vận động từ điểm đầu đến điểm cuối của mỗi dây chuyền cung ứng, tạo điều kiện cho quá trình tái sản xuất diễn ra liên tục, nhịp nhàng, thông suốt. Dự trữ trong nền kinh tế còn cần thiết do yêu cầu cân bằng cung cầu đối với các mặt hàng theo thời vụ, để đề phòng các rủi ro, thoả mãn những nhu cầu bất thường của thị trường, dự trữ tốt sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp. Mặc dù rất cần thiết nhưng dự trữ rất tốn kém về chi phí, tại công ty Cambell Soup dự trữ chiếm đến 30% tài sản, và chiếm đến hơn 50% tài sản của tập đoàn Kmart. Vì vậy việc quản lý dự trữ tốt sẽ giúp doanh nghiệp cân đối giữa vốn đầu tư với những cơ hội đầu tư khác.
e. Quản trị vận tải:
Là việc sử dụng các phương tiện chuyên chở để khắc phục khoảng cách về không gian của sản phẩm và dịch vụ trong hệ thống logistics theo yêu cầu của khách hàng. Nếu sản phẩm được đưa đến đúng vị trí mà khách hàng yêu cầu tức là giá trị của nó đã được tăng thêm. Mặt khác việc sử dụng phương thức và cách thức tổ chức vận chuyển còn giúp cho sản phẩm có đến đúng vào thời điểm khách hàng cần hay không? Điều này cũng tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm. Như vậy bằng cách quản trị vận chuyển tốt sẽ góp phần đưa sản phẩm đến đúng nơi và đúng lúc phù hợp với nhu cầu của khách hàng.
f. Quản trị kho hàng:
Bao gồm việc thiết kế mạng lưới kho tàng ( Số lượng, vị trí và quy mô). Tính toán và trang bị các thiết bị nhà kho; Tổ chức các nghiệp vụ kho. Quản lý hệ thống thông tin giấy tờ chứng từ; Tổ chức quản lý lao động trong kho…Giúp cho sản phẩm được duy trì một cách tối ưu ở những vị trí cần thiết xác định trong hệ thống logistics nhờ đó mà các hoạt động được diễn ra một cách bình thường.
g.Quản trị vật tư và mua hàng hoá:
Nếu dịch vụ khách hàng là đầu ra của hệ thống logistics thì vật tư, hàng hoá là đầu vào của quá trình này. Mặc dù không trực tiếp tác động vào khách hàng nhưng quản trị hàng hoá và vật tư có vai trò tạo tiền đề quyết định đối vơí chất lượng toàn bộ hệ thống. Hoạt động này bao gồm: Xác định nhu cầu vật tư, hàng hoá; tìm kiếm và lựa chọn nhà cung cấp; Tiến hành mua sắm; Tổ chức vận chuyển, tiếp nhận và lưu kho, bảo quản và cung cấp cho người sử dụng…
Những nội dung cơ bản trên cho thấy, logistics giải quyết vấn đề tối ưu hoá cả đầu ra lẫn đầu vào tại các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Logistics có thể giúp thay đổi các nguồn tài nguyên đầu vào hoặc tối ưu hoá quá trình chu chuyển nguyên vật liệu, hàng hoá, dịch vụ nhờ đó tạo ra khả năng giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.
8 Th12 2020
8 Th12 2020
8 Th12 2020
7 Th12 2020
8 Th12 2020
8 Th12 2020