Điều kiện kinh tế – xã hội cho sự ra đời của khoa học quản lý

     Những tư tưởng về quản lý đã xuất hiện cùng với sự hình thành và phát triển của xã hội loài người. Song, khoa học quản lý với tư cách là một hệ thống tri thức về quản lý chỉ mới ra đời vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, khi phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã phát triển ở một trình độ nhất định.

     Đa số các nhà nghiên cứu cho rằng, sự ra đời của thuyết “Quản lý theo khoa học” của F.W Taylor là bước ngoặt đánh dấu sự ra đời của khoa học quản lý; mở ra một kỷ nguyên mới cho sự phát triển của một lĩnh vực khoa học đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của xã hội công nghiệp.

     Như chúng ta đã biết, sự ra đời của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, do nhu cầu của thực tiễn, hàng loạt khoa học mới có điều kiện tách ra thành những lĩnh vực khoa học độc lập, chấm dứt tình trạng, một nhà khoa học là một nhà “Bách khoa toàn thư” của thời kỳ cổ đại và một nhà khoa học vừa là một nhà thần học của thời kỳ trung cổ. Tuy nhiên, không như các khoa học khác, khoa học quản lý không xuất hiện ngay từ đầu cùng với sự hình thành phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Thực tiễn sản xuất kinh doanh của các giai đoạn tích luỹ nguyên thuỷ tư bản và công trường thủ công cho thấy: để tạo ra sản phẩm, tạo ra giá trị thặng dư, giới chủ đã tiến hành sản xuất trên cơ sở sử dụng người lao động – những người nông dân mới “thoát thai” khỏi ruộng đồng và bằng những công cụ, phương tiện thủ công, thô sơ, bán cơ khí và bằng những cách thức sản xuất, cách thức quản lý truyền thống (kinh nghiệm, thói quen, áp đặt chủ quan). Thực chất của cách thức “quản lý” ấy là sự cai trị hay thống trị của giới chủ nhằm bóc lột giá trị thặng dư từ lao động cơ bắp của những người tiền vô sản. Chính vì vậy, năng suất lao động trong sản xuất kinh doanh ở thời kỳ này là hết sức thấp kém.

     Đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX nhờ ứng dụng những thành tựu của khoa học – kỹ thuật, lực lượng sản xuất của xã hội tư bản đã có bước phát triển vượt bậc và đạt tới trình độ tương đối cao. Lực lượng lao động chính trong giai đoạn này là giai cấp công nhân. Do đòi hỏi tất yếu của nền sản xuất công nghiệp, những người công nhân phải có trình độ kiến thức chuyên môn nhất định, có tổ chức và kỷ luật. Công cụ sản xuất được cơ khí hoá. Nền sản xuất có quy mô đại cơ khí, sự phát triển cuả lực lượng sản xuất tất yếu kéo theo sự biến đổi của quan hệ sản xuất. Sự biến đổi của quan hệ sản xuất biểu hiện ở cả ba mặt: Sở hữu, tổ chức quản lý và phân phối sản phẩm.

     Điều đặc biệt cần nhấn mạnh ở đây là, nếu trước đây giới chủ hay giai cấp tư sản vừa là chủ sở hữu tư liệu sản xuất vừa là chủ thể quản lý quá trình sản xuất, nghĩa là họ phải thực hiện vai trò kép thì điều đương nhiên xảy ra là xuất hiện mâu thuẫn giữa mục đích (cái cần phải đạt – lợi nhuận tối đa) với phương tiện (cách để có lợi nhuận). Giải quyết mâu thuẫn này không phải là sứ mệnh của giai cấp tư sản. Hay nói cách khác giai cấp tư sản không tự giác ý thức được điều đó mà chính lôgic của nền sản xuất tự vạch ra hướng giải quyết. Đúng như Các Mác nhận định “lúc đầu nhà tư bản trực tiếp giám sát, điều hành sản xuất”. Khi tư bản đạt đến một đại lượng nhất định thì nó bàn giao công việc quản lý cho những “sỹ quan” và “hạ sỹ quan” công nghiệp. Những “sỹ quan” và “hạ sỹ quan” này chính là đội ngũ những người quản lý chuyên nghiệp. Họ nhân danh các nhà tư bản để điều hành, chỉ huy quá trình sản xuất.

     Như vậy, sự phát triển của quá trình sản xuất tất yếu dẫn tới tình trạng quản lý phải tách ra như một dạng lao động được chuyên môn hoá, có tính độc lập và là một nghề chuyên nghiệp.

     Việc chuyên môn hoá hoạt động quản lý và vai trò ngày càng to lớn của nó đối với hiệu quả của quá trình sản xuất làm cho quản lý trở thành một tác nhân không thể thiếu của quá trình sản xuất và của mọi lĩnh vực khác trong đời sống xã hội hiện đại. Đúng như nhà kinh tế học Keney đã khẳng định: Thế kỷ XIX là thế kỷ của công nghiệp, thế kỷ XX là thế kỷ của hành chính mặc dù công nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng nhưng “đế quốc bàn giấy” đã ngự trị “vương quốc kỹ thuật”.

     Như vậy, thực tiễn  đời sống kinh tế xã hội của thời kỳ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đã tạo ra tính tất yếu và vai trò ngày càng tăng của quản lý (ban đầu là trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, sau đó là ở các lĩnh vực khác). Chính nhu cầu thực tiễn đó đòi hỏi phải có một hệ thống tri thức về quản lý làm cơ sở lý luận cho hoạt động quản lý. Sự ra đời của khoa học quản lý, vì vậy, trở thành một tất yếu của sự phát triển xã hội trong thời kỳ cận – hiện đại.