Phát triển năng lực doanh nhân và tìm kiếm hỗ trợ từ các cố vấn

1. Phát triển năng lực doanh nhân

1.1. Khơi dậy khát vọng làm giàu

Điều đầu tiên và quan trọng nhất đối với mỗi người trước khi khởi nghiệp là phải khơi dậy cho được khát vọng doanh nhân, khát vọng làm giàu. Khát vọng đó là động cơ, là mục đích, là sức mạnh giúp cho mỗi người vượt qua được những khó khăn, thất bại để trở thành một doanh nhân thành đạt trong tương lai.

 Theo một thống kê ở Hoa Kỳ, hầu hết những doanh nhân thành đạt không phải là “con nhà nòi” đều đi lên từ hai bàn tay trắng. Cuộc sống nghèo khổ trắng tay chính là động lực giúp họ vươn lên chiến thắng cảnh nghèo hèn và tự khẳng định mình. Vậy nếu bạn không hoàn toàn trắng tay liệu bạn có khát vọng làm giàu hay không? Trong cuộc sống, không ai biết bạn là ai, không ai biết điều gì sẽ chờ đợi mình ở phía trước. Khát vọng làm giàu chính là một cách để chứng tỏ năng lực bản thân, là con đường để đạt tới tương lai tốt đẹp hơn.

1.2. Tích lũy kiến thức và rèn luyện kỹ năng

Như đã đề cập ở trên, kiến thức và kỹ năng tốt là những đòi hỏi cần thiết để doanh nhân khởi sự doanh nghiệp và đạt được những thành công trong kinh doanh. Có hai con đường để một doanh nhân tích lũy kiến thức: tích lũy thông qua đào tạo và tự tích lũy thông qua sách, báo, kinh nghiệm điều hành thực tiễn.

Sẽ rất tốt nếu trước khi khởi nghiệp doanh nhân được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết. Các trường đào tạo, các khóa đào tạo về kinh tế, quản trị kinh doanh đều chú trọng cả hai phương diện cung cấp kiến thức và rèn luyện kỹ năng. Tuy nhiên những kiến thức được cung cấp sẽ mang tính nguyên lý nhiều hơn là việc phản ánh hơi thở của môi trường kinh doanh sôi động đang diễn ra, còn các kỹ năng sẽ chỉ thực sự được làm chủ nếu được hình thành và rèn luyện qua thực tế. Điều đó có nghĩa là sự thành công của doanh nhân trên thương trường phụ thuộc rất nhiều vào ý thức tự học tập, tự tích lũy, tự rèn luyện của họ. Điều này cũng lý giải tại sao trên thế giới có rất nhiều doanh nhân thành đạt dù không được đào tạo bài bản về kinh tế và quản trị kinh doanh.

Bill Gates (William Henry Gates) là “doanh nhân có ảnh hưởng nhất trong cuộc  cách mạng máy tính cá nhân” sẽ không chắc giành được danh hiệu này nếu cố gắng học nốt 2 năm ở trường Harvard cho đến khi tốt nghiệp. Và hơn 30 năm sau, ông trở lại chính ngôi trường danh tiếng này để nhận bằng tiến sĩ danh dự ngành luật cho dù chưa qua đại học.

 Anita Roddick là người sáng lập và điều hành The Body Shop từ một cửa hàng nhỏ kinh doanh mỹ phẩm tự pha chế trở thành một thương hiệu nổi tiếng thế giới với 1980 cửa hàng có mặt tại hơn 40 nước (năm 2004).

Bản thân Anita Roddick cũng chưa từng học bất cứ khóa học nào về quản trị kinh doanh hay bán hàng, bà điều hành The Body Shop với bản năng kinh doanh có sẵn cùng với quá trình tự tích lũy không ngừng và một triết lý kinh doanh vì môi trường.

1.3. Học cách rút ra từ những bài học thất bại

Trên chiến trường, không một vị tướng tài ba nào chưa từng một lần thất bại. Trên thương trường khắc nghiệt, doanh nhân dù tài ba đến mấy cũng không thể luôn nắm chắc thành công. Điều quan trọng là phải tìm trong thất bại những cơ hội để giành thắng lợi lớn hơn trong tương lai.

Ishoko, ông chủ của tập toàn Sanyo, người thường được giới kinh doanh Nhật Bản gọi là “Thánh kinh doanh”, từng nói rằng: “Người có võ nghệ cao cường, động tác rút mũi thương về thường nhanh hơn phóng ra. Trong kinh doanh cũng vậy, doanh nhân giỏi là người biết rút lui mà không mất thời cơ”.

– Trước hết, cần khẳng định rằng thất bại là khó tránh khỏi vì doanh nhân luôn phải đối mặt với việc ra quyết định trong kinh doanh. Các quyết định đôi khi có đầy đủ căn cứ và thông tin nhưng trong phần lớn các trường hợp luôn có những rủi ro tiềm ẩn khó lường. Thất bại có thể đến từ việc nghiên cứu sản phẩm, công nghệ mới; có thể do những quyết định đầu tư chuyển hướng kinh doanh sai lầm; có thể do những rủi ro trên thị trường chứng khoán… Trước những thất bại đòi hỏi doanh nhân phải thực sự tỉnh táo, biết lắng nghe và luôn giữ được tinh thần lạc quan.

– Điều thứ hai cần biết là khi đối mặt với những thất bại trong thực tế, không giống như lý thuyết, sẽ khó khăn và cay đắng hơn nhiều. Khi đó doanh nhân có thể ngập trong nợ nần, lòng tự trọng bị tổn thương và tương lai của doanh nghiệp hết sức ảm đạm. Khi đó, những doanh nhân thiếu bản lĩnh thường mất tinh thần, chán nản, không có động lực để bắt đầu lại. Đã bước chân vào thương trường, doanh nhân phải chuẩn bị tâm lý để đối mặt với những điều này và phải tự tìm ra cách để vượt qua được giai đoạn khó khăn đó.

– Điều thứ ba, khi thất bại, dù nhỏ nhất cũng luôn có những nguyên nhân sâu xa. Doanh nhân chỉ có thể bước tiếp và đạt tới thành công nếu nhận thấy và khắc phục được những nguyên nhân này. Các thất bại thường xuất phát từ một trong những nguyên nhân sau:

Lập kế hoạch không phù hợp và thiếu tính khả thi: đây là nguyên nhân khá phổ biến. Rủi ro sẽ ít hơn nếu kế hoạch kinh doanh được lập trên cơ sở các thông tin khoa học, đáng tin cậy, mang tính toàn diện, được xem xét tính khả thi.

  • Thiếu năng lực và kinh nghiệm quản lý: rất nhiều doanh nhân có xuất thân kỹ thuật, bản thân họ có rất ít kinh nghiệm về quản lý hoặc chưa qua đào tạo về quản lý. Do đó đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại trong kinh doanh.
  • Rủi ro trong kinh doanh, thâm hụt tài chính: trong kinh doanh luôn tiềm ẩn những rủi ro có liên quan đến tài chính hoặc dẫn đến sự thâm hụt về tài chính đối với doanh nghiệp. Quản lý tài chính cần phải nhận định các rủi ro này và hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất có thể.
  • Lãnh đạo tốt, nhân viên tồi: một doanh nhân có nhiệt huyết, đam mê, có kiến thức và kỹ năng tốt vẫn có thể bị đánh bại bởi đội ngũ nhân viên thiếu kinh nghiệm và mục đích kém lành mạnh. Bởi vậy, doanh nghiệp cần xây dựng được một đội ngũ nhân viên có trình độ tốt, nhiệt huyết và được trả thù lao một cách tương xứng với kết quả đóng góp của họ.
  • Nguyên nhân từ chính bản thân doanh nhân: bản thân doanh nhân cũng cần phải xem xét nguyên nhân của những thất bại từ chính bản thân mình. Có thể có một số nguyên nhân dẫn đến thất bại như: thiếu thận trọng, hành động gấp áp, thiếu thông tin, quyết định cảm tính…

Khả năng đón nhận thất bại, sau khi nhận thức được nguyên nhân của thất bại,  doanh nhân cần đối mặt với thực tế đó để tránh tiếp tục sa lầy. Cho dù là người đứng đầu doanh nghiệp họ cũng cần biết chấp nhận thực tế, biết lắng nghe, trung thực với chính mình và quan trọng nhất là luôn giữ được tinh thần lạc quan để sớm vượt qua được những khó khăn trước mắt và đạt được thành công hơn nữa trong  tương lai.

1.4. Doanh nhân và trách nhiệm xã hội.

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Corporate Social Responsibility – CSR) hiện nay đã được sử dụng tương đối phổ biến. Tuy nhiên vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm, nội dung và phạm vi của CSR.

Ủy ban Kinh tế Thế giới về phát triển bền vững định nghĩa: “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là một cam kết kinh doanh nhằm cư xử đạo đức và đóng góp cho sự phát triển kinh tế cùng với việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động và gia đình của họ cũng như chất lượng cuộc sống của cộng đồng và xã hội nói chung”. Định nghĩa này nhấn mạnh đến vai trò của doanh nghiệp trong phát  triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động, gia đình họ,  cộng đồng và xã hội.

Mô hình “Kim tự tháp” của A.Carroll (1999) về trách nhiệm xã hội cũng được nhiều người chấp nhận và sử dụng khá rộng rãi. Theo đó, CSR bao gồm trách  nhiệm kinh tế, pháp lý, đạo đức và từ thiện.

Các nước nói tiếng Anh lại biểu hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với khái niệm PPP bao gồm 3 lĩnh vực: Con người (People), Hành tinh (Planet) và Lợi nhuận  (Profit).

Ở Việt Nam, trong quy chế và tiêu chí xét “Giải thưởng trách nhiệm xã hội doanh nghiệp”, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng giới hạn hai lĩnh vực là lao động và môi trường nhưng cũng vẫn đặt thêm tiêu chí kinh doanh  có hiệu quả. Như vậy, có thể nói VCCI cũng sử dụng khái niệm PPP.

Trên thế giới, kinh doanh luôn gắn với trách nhiệm xã hội, rất nhiều người khổng lồ đã bỏ ra rất nhiều tiền để trở thành một hình mẫu kinh doanh lý tưởng vì cộng đồng.

Nike đã công bố công khai những tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội của họ cùng với danh sách 700 nhà máy gia công ở 51 quốc gia trên thế giới, trong đó có 35 nhà máy ở Việt Nam. Họ kiểm tra thường xuyên và buộc các nhà cung cấp phải tuân  thủ các điều kiện này. Họ cũng sẵn sàng cắt hợp đồng nếu nhà cung cấp bị phát  hiện hoặc bị tố cáo vi phạm.

General Electrics sử dụng 2 tỷ USD mỗi năm để nghiên cứu công nghệ mới bảo vệ môi trường.

Howard Schultz, ông chủ của Starbucks, đã từng hãnh diện tuyên bố, tiền mua bảo hiểm sức khỏe cho nhân viên còn nhiều hơn tiền mua café từ Châu Mỹ, Châu Á, Châu Phi để cung cấp cho toàn hệ thống Starbucks.

Royal Dutch Shell, tập đoàn dầu khí lâu đời, đã thành lập nhiều quỹ từ thiện, trong đó có việc xây dựng trung tâm giáo dục Early Learning Centre ở Nam Phi nhằm giáo dục trẻ em và dạy kỹ năng cho người trưởng thành.

Ở Việt Nam, tuy việc thực hiện trách nhiệm xã hội CSR còn tương đối mới mẻ, nhưng nhiều doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam cũng đã thể hiện trách nhiệm và những đóng góp nhất định của họ đối với xã hội.

Như vậy có thể thấy, các doanh nhân thành đạt đều có ý thức nhất định về vấn đề Doanh nghiệp – Doanh nhân và Trách nhiệm xã hội. Họ được biết đến không chỉ quan tâm những thành công trong kinh doanh mà hơn thế nữa là những đóng góp cho sự phát triển chung của cộng đồng, xã hội. Điều này cũng có những tác động ngược trở lại và mang lại nhiều lợi ích hơn cho doanh nghiệp.

2. Tìm kiếm hỗ trợ từ các cố vấn

Trong môi trường kinh doanh có nhiều yếu tố biến động và luôn có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các đối thủ, các doanh nhân cần có sự năng động, nhanh nhạy và sự am hiểu trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, không một doanh nhân nào có thể hoàn toàn tự tin mình có đủ kiến thức và sự hiểu biết cần thiết. Mỗi doanh nhân luôn có những khoảng trống tri thức khác nhau cần phải lấp đầy và người giúp doanh nhân lấp đầy các khoảng trống tri thức đó chính là đội ngũ cố vấn. Hiểu mình có gì, biết mình cần những gì cũng là một trong những phẩm chất cần thiết đối với doanh nhân.

Trong quá trình khởi nghiệp và điều hành doanh nghiệp, tùy từng thời điểm và đặc thù kinh doanh, doanh nhân có thể cần một số cố vấn sau:

2.1. Cố vấn pháp lý

Đây là lĩnh vực tương đối đặc thù, liên quan đến pháp luật và các quy tắc ứng xử trong kinh doanh. Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh bài bản, có uy tín đều có cố vấn pháp lý riêng. Cố vấn pháp lý có thể giúp doanh nhân các thủ tục và giấy tờ cần thiết ngay từ khi đăng ký thành lập doanh nghiệp; thay đổi loại hình doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh; các vấn đề pháp lý liên quan đến quyền lợi của các đối tượng hữu quan (CEO, nhân viên, khách hàng, nhà phân phối, nhà cung cấp, cộng đồng địa phương…); các quy tắc thương mại… Vấn đề này càng quan trọng hơn đối với các doanh nghiệp có hoạt động thương mại quốc tế. Do mỗi thị trường lại có những quy định, tiêu chuẩn và có cách hành xử khác nhau, do đó để thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường các doanh nghiệp, doanh nhân cần có sự hiểu biết về đối tác càng sâu sắc càng tốt. Cố vấn pháp lý sẽ giúp cho doanh nghiệp hạn chế tối đa việc bị thua thiệt trong quan hệ thương mại quốc tế. Đặc biệt trong trường hợp có tranh chấp xảy ra, cố vấn pháp lý của doanh nghiệp là người hiểu rõ và sẽ nhanh chóng giúp doanh nghiệp các bước nhằm giải quyết tranh chấp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

2.2. Cố vấn tài chính

Nhiệm vụ của cố vấn tài chính là tư vấn cho doanh nhân trong vấn đề huy động, quản lý và sử dụng vốn giúp doanh nghiệp có một cơ cấu vốn hợp lý với một chi phí phù hợp. Như ta đã biết, huy động vốn luôn phải tính tới khả năng tiếp cận, chi phí vốn và những rủi ro có thể xảy ra. Tùy vào tình hình và khả năng tài chính hiện tại cũng như mục đích sử dụng của doanh nghiệp, cố vấn tài chính có nhiệm vụ  đưa ra các phương án và chỉ ra ưu nhược điểm của từng phương án, giúp doanh  nhân ra quyết định cuối cùng. Mặt khác, cố vấn tài chính cũng giúp doanh nghiệp  sử dụng hiệu quả nhất các nguồn vốn nhàn rỗi, giúp doanh nhân ra các quyết định  đầu tư tài chính đúng đắn. Cố vấn tài chính đồng thời cũng có thể tư vấn cho  doanh nhân trước những quyết định mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, thời điểm đấu giá và niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán…

2.3. Cố vấn chuyên môn, kỹ thuật

Người cố vấn này rất cần thiết trong trường hợp doanh nhân không thật sự am hiểu về mặt kỹ thuật, chuyên môn sâu trong lĩnh vực kinh doanh mà doanh nghiệp tham gia. Như đã đề cập ở trên, doanh nhân, nhà lãnh đạo thành công không nhất thiết là người giỏi nhất về chuyên môn, điều quan trọng là họ biết sử dụng những người giỏi hơn mình. Andrew Carnegie, ông “Vua thép” Hoa Kỳ là một ví dụ điển hình về khả năng sử dụng những người giỏi hơn mình, ít nhất là về mặt chuyên môn, kỹ thuật.

2.4. Cố vấn marketing

Marketing là cầu nối Doanh nghiệp – Doanh nhân – Sản phẩm đến với khách hàng. Marketing giúp doanh nghiệp tạo ra một hình ảnh đẹp trước công chúng và tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm. Năng lực sản xuất của xã hội càng tăng, sản phẩm làm ra ngày càng nhiều thì vai trò của marketing ngày càng quan trọng.

Trong phạm vi và quy mô hoạt động nhất định, doanh nhân có thể tự làm marketing cho doanh nghiệp và sản phẩm của mình. Nhưng khi phạm vi hoạt động và quản lý tăng lên, muốn tạo ra một hình ảnh chuyên nghiệp, một thông điệp đồng nhất cần có vai trò của cố vấn marketing chuyên nghiệp. Trong xu thế quản trị kinh doanh hiện đại, vai trò của cố vấn marketing rất cần thiết và ngày càng quan trọng hơn.

Như vậy, tùy vào năng lực và sự hiểu biết của từng người, mỗi doanh nhân có thể cần cố vấn trong một số lĩnh vực ở các mức độ khác nhau. Điều này là không bắt buộc nhưng cần thiết để giúp doanh nhân duy trì và mở rộng hơn nữa hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, tránh được các sai lầm không đáng có để đạt tới thành công trong kinh doanh.