Thuyết trọng thương

Thuyết trọng thương đã được phát triển từ hàng năm trước. Đây được coi là thuyết thương mại đầu tiên của thời kỳ tiền tư bản và đã trở thành cơ sở lý luận cho các chính sách thương mại ở các nước như Châu Âu như: Anh, Pháp, Đức… trong suốt hơn ba thế kỷ. Thuyết trọng thương được quảng bá, vận dụng ở Châu Âu từ giữa thế kỷ XV và phát triển cực thịnh vào thế kỷ XVI -XVII. Cơ sở của thuyết này chính là “cuộc cách mạng thương mại”, quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế địa phương sang nền kinh tế quốc gia, từ chế độ phong kiến ​​sang chủ nghĩa tư bản, từ nền thương mại thô sơ chuyển đổi sang nền thương mại quốc tế rộng lớn và quy mô hơn. Từ đầu thế kỷ 15 những nhà kinh tế học đã chứng minh được việc giao thương sẽ mang lại phồn thịnh cho các nước tham gia qua thuyết trọng thương (Gandolfo, 2014). Chủ nghĩa trọng thương là hệ thống kinh tế của các quốc gia thương mại lớn trong thế kỷ XVI, XVII và XVIII. Thuyết trọng thương cho rằng sự phồn vinh của một quốc gia được đo bằng lượng tài sản mà quốc gia đó có được thông qua việc tăng xuất khẩu và lượng kim quý thu về. Việc này đã thay thế hệ thống kinh tế tổ chức phong kiến ​​thời trung cổ ở Tây Âu, đặc biệt là ở Hà Lan, Pháp, Anh, Bỉ, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha trong đó các quốc vương kiểm soát tất cả mọi thứ. Chính sách lúc đó là chỉ xuất khẩu tới các nước mà nhà nước có thể kiểm soát và không được nhập khẩu (để có được cán cân thương mại tích cực).

Cùng với đó là việc phát triển của các cuộc khai phá các vùng đất mới, tích cực khám phá địa lý không chỉ kých thích thương mại quốc tế, mà còn tạo ra dòng chảy của vàng và bạc, có thể được sử dụng để khuyến khích nền kinh tế dựa vào tiền và giá cả. Nhà nước thực hiện việc kiểm soát nền kinh tế nhiều hơn, chủ yếu thông qua các tập đoàn và các công ty thương mại. Sản xuất các mặt hàng đều được quy định một cách chặt chẽ để đảm bảo chất lượng hàng hóa và chi phí thấp, việc này giúp các quốc gia để giữ vững được vị trí của mình trong thị trường nước ngoài.

Thuyết trọng thương cho rằng thế giới chỉ chứa một số tiền nhất định và để một quốc gia tăng sự giàu có, phồn vinh của mình; thì quốc gia đó phải lấy một lượng tiền đó từ quốc gia khác hoặc tỷ lệ nhập khẩu / xuất khẩu phải tăng lên. Vì vậy, theo thuyết trọng thương thì nên tăng xuất khẩu, giảm nhập khẩu và trao đổi bằng vàng (thâm hụt được trả bằng vàng). Để giúp quốc gia giàu có hơn, những nhà kinh tế học theo chủ nghĩa trọng thương cho rằng xuất khẩu đối với mỗi quốc gia là vô cùng có ích vì nó kých thích sản xuất trong nước, đồng thời gia tăng lượng của cải quốc gia, trong khi đó nhập khẩu lại là gánh nặng vì nó làm giảm nhu cầu đối với hàng sản xuất trong nước và dẫn đến thất thoát một lượng tiền. Chính vì vậy trong hoạt động ngoại thương phải đảm bảo được cán cân thương mại thặng dư. Thuyết trọng thương đã có ảnh hưởng sâu sắc đến việc xây dựng chính sách thương mại của các quốc gia trong nhiều thế kỷ và đặt nền móng cho sự phát triển của thương mại quốc tế.

Hiện nay những nghiên cứu hoạt động ngoại thương trên thế giới cho thấy cán cân thương mại thặng dư là mục tiêu dài hạn của các nước, nhưng chúng ta cũng không nên cho rằng mọi thặng dư thương mại đều là tốt, còn thâm hụt thương mại là không tốt. Việc nhập khẩu hàng hoá nhiều hơn hay ít hơn xuất khẩu còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố, kể cả giai đoạn phát triển kinh tế và cơ cấu nền kinh tế. Việc tăng lượng tiền trong nền kinh tế tương ứng với lượng sản phẩm nội địa ít hơn và dễ xảy ra lạm phát hơn. Các tiêu chuẩn của cuộc sống sẽ thấp hơn. Thuyết trọng thương dần mất vị trí khi xuất hiện cuộc cách mạng công nghiệp và tự do kinh doanh.

Nhìn chung thuyết trọng thương được mô tả vắn tắt qua 3 điểm sau (Schumacher, 2012; Gandolfo, 2014):

  • Đầu tiên thuyết trọng thương đã đánh giá được vai trò của thương mại quốc tế trong nền kinh tế của các quốc gia và coi đó là nguồn thu quý kim, tiền bạc quan trọng của đất nước.
  • Tuy nhiên thuyết trọng thương lại coi việc buôn bán với nước ngoài không xuất phát từ lợi ích của hai quốc gia mà chỉ vì lợi ích của quốc gia mình. Chính vì điều này mà các học giả theo thuyết trọng thương còn được gọi là các nhà kinh tế dân tộc chủ nghĩa.
  • Thuyết trọng thương ủng hộ chính phủ, nhà nước can thiệp sâu vào các hoạt động kinh tế đặc biệt là trong lĩnh vực ngoại thương như: lập hàng rào thuế quan, hỗ trợ xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu và những chính sách bảo hộ sản xuất trong nước. Chỉ thực hiện xuất khẩu tới các quốc gia mà chính phủ, nhà nước có thể kiểm soát và biết rõ về quốc gia đó.

Nguồn: Nguyễn Hoàng Quy và cộng sự (2016), Marketing nhân sự, NXB Thống kê.