Nội dung và phương thức của chức năng lãnh đạo

1. Nội dung và phương thức của chức năng lãnh đạo

1.1 Nội dung của chức năng lãnh đạo

  • Tác động quyền lực trong việc duy trì kỉ luật, kỉ cương đối với nhân viên

Việc thực thi kỉ luật, kỉ cương là một nhân tố không thể thiếu để nhằm duy trì sự ổn định của tổ chức. Để thực hiện công việc này nhà quản lý phải sử dụng các công cụ:

+ Pháp luật

+ Chính sách

+ Nội quy, quy chế.v.v.

Việc thực thi pháp luật, chính sách, nội quy, quy chế đòi hỏi chủ thể quản lý phải tiến hành thường xuyên, nghiêm túc và theo quy trình khoa học.

  • Hướng dẫn, thuyết phục và khích lệ nhân viên

Để khơi dậy động cơ thúc đẩy của nhân viên, phát huy cao nhất tiềm năng và năng lực của họ thì người quản phải thực hiện:

– Hướng dẫn nhân viên trong việc nhận thức sứ mệnh của tổ chức, quyền lợi và nghĩa vụ của họ, nhận thức về yêu cầu của công việc mà họ phải đảm nhận

– Cung cấp những điều kiện đảm bảo cho việc thực hiện quyết định quản lý

– Xây dựng và thực hiện hệ thống chính sách phù hợp: bố trí, sắp xếp, sử dụng; đánh giá; đào tạo và phát triển nhân lực; tiền lương, tiền công, tiền thưởng, phúc lợi tập thể.v.v.

– Xây dựng và thực thi văn hoá tổ chức

1.2 Phương thức thực hiện chức năng lãnh đạo

Để thực hiện có hiệu quả những nội dung của chức năng lãnh đạo, nhà quản lý phải thực thi:

– Các nguyên tắc quản lý

– Các phương pháp quản lý

– Lựa chọn một mô hình thức và phong cách quản lý phù hợp

Trong phạm vi cho phép, để làm rõ phương thức thực hiện chức năng lãnh đạo của nhà quản lý, phần này chỉ tập trung giới thiệu các mô thức và phong cách quản lý điển hình đã được khái quát từ thực tiễn để từ đó giúp các nhà quản lý khi thực hiện chức năng lãnh đạo của mình có sự lựa chọn hiệu qủa.

Có rất nhiều mô thức và phong cách quản lý đã được xây dựng xuất phát từ thực tiễn quản lý mà các nhà quản lý cần tham khảo để vận dụng vào việc thực hiện chức năng lãnh đạo của mình. Sau đây là một số mô thức và phong cách quản lý điển hình:

* 4 mô thức quản lý của R. Likert:

  1. Quản lý quyết đoán – áp chế
  2. Quản lý quyết đoán – nhân từ
  3. Quản lý tham vấn
  4. Quản lý tham gia theo nhóm

* 5 mô thức quản lý của Jane Mouton và R. Blake:

  1. Phong cách “quản lý suy giảm” (1.1)
  2. Phong cách “quản lý đồng đội” (9.9)
  3. Phong cách “quản lý theo kiểu câu lạc bộ ngoài trời” (1.9)
  4. Phong cách “các nhà quản lý chuyên quyền theo công việc” (9.1)
  5. Phong cách “quản lý chuyên quyền rộng lượng” (5.5)

* 7 phong cách lãnh đạo của R. Tannenbaum và W.H Schmidt liên quan tới mức của người quản lý trong việc ra quyết định:

  1. Xây dựng quyết định rồi công bố cho cấp dưới
  2. Tuyên truyền quyết định với cấp dưới
  3. Báo cáo quyết định cho cấp dưới và khuyến khích họ nêu ý kiến
  4. Dự thảo quyết định và cấp dưới đưa ra ý kiến sửa đổi
  5. Nêu vấn đề, nghe ý kiến cấp dưới sau đó ra quyết định
  6. Nêu yêu cầu và cho cấp dưới quyền ra quyết định
  7. Uỷ quyền cho cấp dưới ra quyết định trong phạm vi vấn đề nhất định.

Gắn các hành vi ra quyết định với các phong cách lãnh đạo từ độc đoán đến dân chủ

chức năng lãnh đạo

Tuy nhiên, sở dĩ có nhiều loại mô thức và phong cách quản lý như vậy là do người ta căn cứ vào những tiêu chí khác nhau mà những tiêu chí đó chưa phải là biểu hiện của bản chất của quản lý. Thực chất, nếu căn cứ vào quan hệ quyền lực và cách thức sử dụng quyền lực, có thể phân chia phong cách quản lý thành ba loại điển hình:

– Phong cách quản lý chuyên quyền

– Phong cách quản lý dân chủ

– Phong cách quản lý “tự do”

Từ ba phong cách này có thể phái sinh những phong cách khác. Các nhà quản lý căn cứ vào điều kiện khách quan cũng như những nhân tố chủ quan để lựa chọn phong cách quản lý cho phù hợp.

2. Những yêu cầu nhằm nâng cao hiệu quả của chức năng lãnh đạo

2.1 Những yêu cầu để có nội dung tác động hiệu quả tới nhân viên

– Những nội quy, quy chế của tổ chức phải phù hợp với pháp luật của nhà nước và điều kiện của đơn vị.

– Việc xây dựng và thực thi nó phải đảm bảo tính dân chủ: Nó là sản phẩm của trí tuệ tập thể chứ không phải là sự áp đặt ý muốn chủ quan của chủ thể quản lý.

– Để động viên khích lệ nhân viên, nhiệt tình phát huy tối đa tiềm năng và năng lực của họ nhà quản lý phải nhận thức được các lý thuyết về động cơ thúc đẩy và vận dụng sáng tạo vào điều kiện của tổ chức.

2.2 Những yêu cầu để có phương thức tác động hiệu quả

– Chủ thể quản lý phải có năng lực, phẩm chất nhất định

– Chủ thể quản lý phải biết vận dụng linh hoạt và sáng tạo hệ thống phương pháp quản lý.

– Chủ thể quản lý phải lựa chọn phong cách quản lý phù hợp

– Chủ thể quản lý phải tạo lập và hoàn thiện nghệ thuật quản lý.