Lợi ích khi áp dụng và hiệu quả đầu tư vào hệ thống ISO 14001:2004/ Cor.1:2009

1. Lợi ích khi áp dụng ISO 14001:2004/ Cor.1:2009

1.1. Ngăn ngừa ô nhiễm:

ISO 14001:2004/ Cor.1:2009 hướng đến bảo toàn nguồn lực thông qua giảm thiểu lãng phí nguồn lực. Giảm chất thải sẽ dẫn đến giảm số lượng hoặc khối lượng nước thải, khí thải hoặc chất thải rắn. Không chỉ như vậy, nhiều trường hợp nồng độ ô nhiễm của nước thải, khí thải hoặc chất thải rắn được giảm về căn bản. Nồng độ và lượng chất thải thấp dẫn đến chi phí xử lý sẽ thấp. Nhờ đó giúp xử lý hiệu quả hơn và ngăn ngừa được ô nhiễm.

1.2. Tiết kiệm chi phí đầu vào:

Thực hiện hệ thống QLMT tiết kiệm được nguyên vật liệu đầu vào bao gồm nước, năng lượng, nguyên vật liệu, hoá chất,… Sự tiết kiệm này sẽ trở nên quan trọng và có ý nghĩa nếu nguyên vật liệu là nguồn khan hiếm như điện năng, than, dầu,…

1.3. Chứng minh sự tuân thủ luật pháp:

Xử lý hiệu quả giúp đạt được những tiêu chuẩn do luật pháp qui định. Vì vậy tăng cường uy tín cho tổ chức. Chứng nhận ISO

14001:2004/ Cor.1:2009 là một bằng chứng thực tế khi tổ chức đáp ứng được các yêu cầu luật pháp về môi trường.

1.4. Thoả mãn nhu cầu của khách hàng nước ngoài:

Điều này rất hữu ích đối với các tổ chức hướng đến xuất khẩu. Chứng nhận ISO 14001:2004/ Cor.1:2009 là hoàn toàn tự nguyện và không sử dụng như là công cụ hàng rào phi thuế quan của bất kỳ nước nào nhập khẩu hàng hoá từ các nước khác. Tuy nhiên, khách hàng trong những nước phát triển có quyền chọn lựa mua hàng hoá của một tổ chức có hệ thống QLMT như ISO 14001:2004/Cor.1:2009.

1.5. Gia tăng thị phần:

Chứng nhận ISO 14001:2004/ Cor.1:2009 mang lợi thế cạnh tranh cho tổ chức và gia tăng thị phần hiện tại. Sự kiện Công ty Vinamit vào cuối năm 2010, sau khi chuyện xả thải bị báo chí đưa tin, một tập đoàn kinh doanh siêu thị của Úc có ý định mua 500 containers/năm đã cử một đoàn sang Việt Nam khảo sát ba nhà máy của Vinamit vì lý do “có vấn đề về môi trường”. Tiếp đó, hàng hóa của Vinamit xuất khẩu sang Trung Quốc cũng bị kiểm tra gắt gao hơn thường lệ. Một nhà đầu tư của Nhật Bản trong giai đoạn đàm phán để trở thành đối tác chiến lược cũng tỏ ra nghi ngại. (Nguồn: Kinh tế Saigon số 48-2011 (1.093), 24/11/2011, tr.28.

1.6. Xây dựng niềm tin cho các bên liên quan:

Hệ thống QLMT nhằm vào thỏa mãn các bên có liên quan như nhân viên, cơ quan hữu quan, công chúng, khách hàng, tổ chức tài chính, bảo hiểm, cổ đông,… Những người có ảnh hưởng đến sự thịnh vượng của tổ chức và niềm tin của họ có giá trị to lớn. Niềm tin này giúp tổ chức tăng thêm nguồn lực từ công chúng và những tổ chức tài chính (quốc gia cũng như quốc tế).

2. Hiệu quả đầu tư vào hệ thống ISO 14001:2004/ Cor.1:2009

Phụ thuộc vào các điều kiện:

  • Trạng thái và mức độ phức tạp của hệ thống quản lý hiện thời.
  • Vai trò của môi trường trong hoạt động sản xuất – kinh doanh có xét yếu tố thời gian từ quá khứ đến hiện tại và hướng vào tương lai.
  • Số lượng và chất lượng các nguồn lực có khả năng khai thác, cả bên trong và bên ngoài.
  • Mức độ sẵn sàng áp dụng, chẳng hạn như kinh nghiệm quản lý môi trường.
  • Sự mong đợi của cổ đông liên quan đến hệ thống EMS (Environment Management System – Hệ thống quản lý môi trường).
  • Quy định của pháp luật hiện hành về QLMT.
  • Mức độ xác thực cần thiết để khẳng định tổ chức đáp ứng được những đòi hỏi của thị trường hoặc đáp ứng được mong đợi của các cổ đông.

3. Các bước áp dụng ISO 14001:2004/ Cor.1:2009

Bước 1: Lãnh đạo đưa ra cam kết thực hiện: Cam kết của lãnh đạo là một yêu cầu quan trọng khi xây dựng thành công HTQLMT thông qua chứng cứ khách quan là ban hành và áp dụng chính sách môi trường của tổ chức. Khi lãnh đạo hiểu những lợi ích đem lại bởi ISO 14001:2004/ Cor.1:2009, họ sẽ quan tâm và đầu tư thích đáng các nguồn lực cần thiết để xây dựng HTQLMT một cách hiệu quả và nhanh chóng.

Bước 2: Thành lập nhóm chuyên trách ISO 14001:2004/ Cor.1:2009: Để có nhân lực xây dựng HTQLMT, tổ chức cần thành lập nhóm dự án nhằm thúc đẩy quá trình xây dựng và thực hiện. Nhóm này là đầu mối hoạt động, có trách nhiệm thúc đẩy các thành viên khác, hướng dẫn và giúp đỡ họ trong quá trình thực hiện. Thông thường, thành viên của nhóm là trưởng các phòng ban của các lĩnh vực hoạt động khác nhau nhưng số lượng không nên quá lớn; trong đó cần có một người nhóm trưởng là đại diện cho lãnh đạo – EMR.

Bước 3: Tiến hành đánh giá môi trường sơ bộ: Đánh giá môi trường sơ bộ gồm 2 nội dung chính: đánh giá hiện trạng môi trường và đánh giá hiện trạng hệ thống quản lý môi trường. Công việc này bao gồm một số hoạt động như:

  • Xác định dòng tạo sản phẩm.
  • Xác định dòng chất thải.
  • Xác định các khía cạnh môi trường.
  • Xác định luật pháp về môi trường và các yêu cầu khác cần tuân thủ.
  • Xác định phương thức quản lý môi trường hiện tại.

Tất cả công việc trên nhằm mục đích xác định hiện trạng môi trường cũng như hiện trạng HTQLMT của tổ chức. Từ đó đề ra những việc tiếp theo để xây dựng HTQLMT theo yêu cầu của ISO 14001:2004/ Cor.1:2009.

Bước 4: Xác định các khía cạnh môi trường: Để xác định được các khía cạnh môi trường, tổ chức phải xác định mối tương tác môi trường với các hoạt động sản xuất, dịch vụ và sản phẩm. Tổ chức sử dụng một số công cụ hữu ích nhằm xác định các khía cạnh môi trường như thiết lập lưu đồ, thiết lập cân bằng nguyên vật liệu,…

Bước 5: Xác định các mục tiêu và chỉ tiêu cần đạt của HTQLMT: Khi xác định các mục tiêu và chỉ tiêu, tổ chức cần cân nhắc đến:

  • Các yêu cầu pháp luật và yêu cầu khác mà tổ chức cần tuân thủ.
  • Các khía cạnh môi trường đáng kể đã được xác định.
  • Các giải pháp công nghệ phù hợp.
  • Khả năng tài chính, vận hành, kinh doanh của tổ chức.

Đặc biệt lưu ý, các mục tiêu và chỉ tiêu phản ánh được hoạt động thực tế và cần định lượng cụ thể.

Bước 6: Xây dựng chương trình QLMT của tổ chức: Tổ chức cần đề ra các chương trình quản lý môi trường để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu. Chương trình QLMT cần chỉ định trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân khi tiến hành các hoạt động; xác định phương tiện, phương thức, công cụ, nguồn lực cần thiết cũng như khung thời gian để đạt được các mục tiêu và chỉ tiêu đề ra.

Bước 7: Xác định, thiết lập cơ cấu trách nhiệm về môi trường của tổ chức: Để xác định một cơ cấu tổ chức hợp lý khi quản lý môi trường, tổ chức cần xem xét một số vấn đề sau:

Xem xét phạm vi của chương trình QLMT để xác định:

  • Năng lực cần thiết để vận hành chương trình QLMT.
  • Xác định người cần tham gia để hệ thống hoạt động hiệu quả.
  • Xác định các nguồn lực cần thiết khác.

Xem xét các tác động môi trường đáng kể của tổ chức để tìm:

  • Các quá trình hoạt động cần được kiểm soát.
  • Người cần tham gia để đảm bảo kiểm soát được thực hiện. Xem xét các hệ thống quản lý khác hiện có:
  • Vai trò và trách nhiệm của từng người trong các hệ thống.
  • Có thể kết hợp với HTQLMT được không ?

Bước 8: Nâng cao nhận thức về môi trường cho nhân viên trong tổ chức : Tiêu chuẩn ISO 14001:2004/ Cor.1:2009, yêu cầu tổ chức phải có phương pháp đào tạo thích hợp cho từng nhân viên, những người gây ra những tác động đáng kể đến môi trường. Đào tạo nhằm giúp mọi người nhận thức được tầm quan trọng khi tuân thủ chính sách môi trường, các quy trình và với HTQLMT. Họ cũng phải hiểu rõ trách nhiệm. Mọi người tại các phòng ban chức năng đều có vai trò nhất định trong quản lý môi trường.

Do vậy, chương trình đào tạo cần rất đa dạng.

Bước 9: Xây dựng hệ thống tài liệu về QLMT của tổ chức:

Hệ thống tài liệu được xem như những văn bản giải thích về hoạt động của HTQLMT. Nó được xem như những chỉ dẫn đến toàn bộ HTQLMT. Các tài liệu này được duy trì ở dạng điện tử hoặc giấy tờ, tùy thuộc vào tổ chức. Hệ thống tài liệu của HTQLMT theo tiêu chuẩn ISO 14001:2004/ Cor.1:2009 được chia từng cấp nêu ở bảng sau:

Bước 10: Đánh giá nội bộ HTQLMT của tổ chức: Sau khi đã hoàn thành công tác xây dựng HTQLMT, văn bản hóa toàn bộ hệ thống, bước tiếp theo của quá trình là tiến hành tự xem xét lại hệ thống nhằm xác định sự tuân thủ các yêu cầu của tiêu chuẩn. Đây là

một trong các yêu cầu của giai đoạn kiểm tra sau khi đã xây dựng và thực hiện hệ thống. Kiểm tra quá trình thực hiện là rất quan trọng nhằm xác định và giải quyết các vấn đề còn tồn tại trong hệ thống. Đánh giá định kỳ HTQLMT giúp lãnh đạo nắm được hiệu quả của các quá trình thực hiện so với các yêu cầu của tiêu chuẩn ISO 14001:2004/ Cor.1:2009.

Bước 11: Đánh giá của bên thứ 3 và tán thành chứng nhận phù hợp theo tiêu chuẩn ISO 14001:2004/ Cor.1:2009:

Sau khi đã tiến hành đánh giá nội bộ và hoàn thành hoạt động khắc phục những điểm không phù hợp; tổ chức có thể lựa chọn cơ quan chứng nhận. Thông thường, quá trình đánh giá của cơ quan chứng nhận bao gồm 2 giai đoạn. Quá trình đánh giá trước chứng nhận chủ yếu là tiến hành xem xét hệ thống tài liệu của HTQLMT. Sau khi tiến hành đánh giá trước chứng nhận khoảng 1 tháng (thời gian để tổ chức khắc phục các điểm còn thiếu sót sau khi đánh giá trước chứng nhận); cơ quan chứng nhận sẽ tiếp tục tiến hành đánh giá chính thức. Nếu đạt sẽ được cấp giấy chứng nhận. Giấy chứng nhận có giá trị trong 3 năm. Sau mỗi 3 năm, tổ chức phải tiến hành đánh giá lại. Trong 3 năm đó, cứ mỗi 6 tháng hoặc 1 năm, cơ quan chứng nhận sẽ đến và đánh giá duy trì HTQLMT của tổ chức.